Điểm tin ngày 29/11/2022

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 29/11/2022 10:57:00 AM - Lượt xem: 11 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý ngày hôm nay.

Báo điện tử VTVNews có đưa tin: Từ 1/1/2023, quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP sẽ áp dụng một số điểm mới.

https://vtv.vn/kinh-te/tu-1-1-2023-quy-dinh-quy-tac-xuat-xu-hang-hoa-trong-hiep-dinh-rcep-se-ap-dung-mot-so-diem-moi-20221129045829629.htm

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 32/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thông tư số 32/2022/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.

Theo đó, Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) Phiên bản HS 2022 (thay cho Phiên bản HS 2012) và mặt sau sửa đổi giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu RCEP được thực thi kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực chính thức kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Báo Công an Nhân dân có bài: Nỗi lo cuối năm doanh nghiệp thiếu đơn hàng, lao động thiếu việc.

https://cand.com.vn/thi-truong/noi-lo-cuoi-nam-doanh-nghiep-thieu-don-hang-lao-dong-thieu-viec-i675890/

Những ngày qua, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, lao động bị ảnh hưởng việc làm chủ yếu được nhắc đến ở các tỉnh phía Nam, vậy nhưng hiện nay cũng đã có những doanh nghiệp ở khu vực khác cũng rơi vào tình trạng này.

Thời điểm này các năm trước, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa liên tục phải tăng ca sản xuất, tuyển dụng thêm lao động mới đáp ứng kịp các đơn hàng ký kết. Song năm nay, đa phần các doanh nghiệp mới ký kết được đơn hàng đủ sản xuất từ 50-60% công suất giai đoạn cuối năm. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không chỉ "ăn đong" từng đơn hàng mà còn bị ép giá.

Theo ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn đến thiếu đơn hàng là do từ tháng 9/2022 đến nay, xảy ra tình trạng lạm phát toàn cầu nên các đơn hàng may mặc đã bị cắt giảm. "Thời điểm này năm ngoái lương công nhân được khoảng 9 triệu, nhưng năm nay lương bình quân thấp xuống còn 6 triệu vì đơn hàng về giảm mạnh. Khách hàng đã thông báo về việc đầu năm 2023 sẽ cắt giảm 50% đơn hàng nên nhiều công nhân sẽ bị ảnh hưởng việc làm. Doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Thành cho biết.

Báo Hà Nội mới có bài: Nguy cơ ''bệnh chồng bệnh'' ở người cao tuổi.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1048801/nguy-co-benh-chong-benh-o-nguoi-cao-tuoi

Hiện, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm. Khác với những mùa dịch trước, năm nay có một lượng lớn bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Trong 15 ca tử vong do sốt xuất huyết được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ đầu tháng 5-2022 đến nay, trường hợp nhiều tuổi nhất là 82 tuổi. Nguyên nhân tử vong là do bệnh nhân nhập viện muộn, không thể cứu chữa.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm. Nhiều ca rơi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 của bệnh, trong khi thông thường, tình trạng này xảy ra ở ngày thứ 5 đến ngày thứ 7.

“Người cao tuổi, người có bệnh nền chính là đối tượng dễ bị nặng khi mắc sốt xuất huyết. Thế nhưng, người dân lại cho rằng, cứ phải có triệu chứng xuất huyết thì mới là sốt xuất huyết. Trong khi trên thực tế, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết nhưng vẫn giảm tiểu cầu và tử vong. Do đó, người dân cần vào bệnh viện sớm hơn, từ khi có dấu hiệu sốt, đợi đến khi có xuất huyết thì bệnh đã trở nặng”, bác sĩ Phạm Văn Phúc lưu ý.

Không chỉ sốt xuất huyết, thời điểm này, số người mắc cúm hay các bệnh viêm đường hô hấp khác cũng đang gia tăng. Với người cao tuổi, khi hệ hô hấp bị tổn thương do một mầm bệnh thì rất có thể họ sẽ đồng nhiễm hoặc bội nhiễm thêm 2-3 tác nhân khác.

Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC khuyến cáo, người cao tuổi, người có bệnh nền cần tiêm vắc xin phòng bệnh càng sớm càng tốt. Đây chính là “lá chắn” vững chãi để chống lại bệnh tật. Người cao tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng viêm phổi, như: Phế cầu, cúm mùa, Covid-19…  Riêng vắc xin cúm cần tiêm nhắc lại hằng năm. Ngoài ra, người cao tuổi, người có bệnh nền cũng cần tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván để tăng cường miễn dịch.

P.TT&TT (TH)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn