Các hình thức xử lý kỷ luật lao động?

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 20/09/2016 02:59:00 PM - Lượt xem: 994 lượt xem.

Căn cứ pháp lý: Điều 125, Điều 126 Bộ Luật lao động 2012; Điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

- Khiển trách: Là hình thức xử lý kỷ luật lao động áp dụng đối với người lao động đã phạm sai lầm, khuyết điểm nhẹ.

- Kéo dài thời gian nâng lương không quá 6 tháng: Là hình thức xử lý kỷ luật lao động áp dụng đối với người lao động đã phạm sai lầm, khuyết điểm tương đối nghiêm trọng, không xứng đáng được nâng lương đúng kỳ hạn mà phải kéo dài thêm 6 tháng.

- Cách chức: Là hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối với người lao động đã phạm sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, không còn xứng đáng đảm nhiệm chức vụ mình đang giữ.

- Sa thải: Là hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối với người lao động đã phạm sai lầm, khuyết điểm rất nghiêm trọng mà doanh nghiệp không thể tiếp tục sử dụng làm việc nữa.

Do tính chất nghiêm trọng của Sa thải mà hình thức xử lý kỷ luật lao động này được pháp luật quy định rất chặt chẽ để phòng tránh người sử dụng lao động áp dụng tùy tiện trên thực tế. Pháp luật quy định sa thải được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.

- Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động

Ví dụ thực tế về áp dụng sai pháp luật về xử lý kỷ luật lao động

Anh A làm công nhân trong đội 1 của nhà máy X, trong quá trình làm việc, do sơ suất, anh A làm rơi thanh gậy vào chiếc máy đang hoạt động làm cho chiếc máy bị hỏng. Do máy bị hỏng, cả dây chuyền 5 người trong đội 1 phảu nghỉ làm để đợi thay chiếc máy mới.

Giám đốc nhà máy X ra quyết định cắt lương của anh A trong 3 tháng do lỗi của anh A gây ra, để bù đắp thiệt hại mà công ty phải gánh chịu.

Việc áp dụng hình thức kỷ luật cắt lương của Giám đốc nhà máy X là không đúng quy định của pháp luật vì: Cắt lương không phải là một trong các hình thức kỷ luật mà pháp luật quy định.

Lưu ý:

Người lao động bị sa thải thì không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Do vậy, người lao động cần tuân thủ nghiêm chỉnh Nội quy lao động để tránh làm các hành vi vi phạm rất nghiêm trọng mà người sử dụng lao động có thể áp dụng sa thải.

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn