Hân nặng gần 60 kg, bị các bạn đặt thêm chữ "béo" sau tên khiến em luôn mặc cảm. Người mẹ thấy vậy quyết tâm ép cân, kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cho con gái. Hân được lên lịch trình nhẩy dây, lắc vòng, tập luyện cùng huấn luyện viên (PT) ba buổi mỗi tuần. Mỗi bữa, em chỉ được ăn cơm với gạo lứt, rau luộc, ức gà, trứng luộc. Khi đói, Hân được uống nước bù lại.
Sau hai tháng, Hân thường xuyên bị đói, cơ thể mệt mỏi, uể oải, kém tập trung, luôn tìm cách lén mua đồ ăn vặt hoặc lục tủ lạnh khi cả nhà đi ngủ. Có lần, phát hiện con gái trộm tiền mua gà rán, người mẹ la mắng, miệt thị ngoại hình khiến cô bé bật khóc. Dần dần, Hân ít nói, lầm lì, căng thẳng mỗi khi ăn cơm cùng gia đình.
Bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, chẩn đoán Hân mắc béo phì độ 3, song là trường hợp đặc biệt vì khó khai thác bệnh sử.
"Bé không trả lời bất cứ câu hỏi nào về bệnh tình, dường như em không muốn đối mặt với việc mình bị béo phì", bác sĩ nói, thêm rằng tình trạng này cho thấy sức khỏe tinh thần bệnh nhi có vấn đề. Do đó, ngoài việc thiết lập lối sống lành mạnh, bác sĩ đề nghị gia đình đưa em đi khám tâm lý để được điều trị thích hợp.
Trường hợp khác là Hằng, 10 tuổi, nặng 30 kg, cũng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc ngoại hình, không cho tham gia chơi cùng vì nghĩ cơ thể em ù lì, chậm chạm sẽ khiến đội thua cuộc. Bố mẹ Hằng còn nhờ thầy cô, bạn bè tác động để con giảm cân. Mỗi khi nhà có tiệc, họ hàng xúm lại chê em béo phì, so sánh với các anh chị em khác, khiến cô bé ngày càng tự ti, không muốn đi học cũng như gặp người thân.
Câu chuyện của Hân hay Hằng khá quen thuộc trong các gia đình Việt. Ở nước ta chưa có thống kê về số trẻ nhỏ bị gia đình bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết do thừa cân, nhưng hành động thúc ép con giảm cân của phụ huynh là có căn cứ, bác sĩ Thúy nhận định. Nhất là trong bối cảnh tỷ lệ béo phì ở trẻ nhỏ có xu hướng tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chỉ ra cứ 100 trẻ trong độ tuổi 5-19, có 19 em thừa cân, béo phì.
Bộ Y tế cho biết nhóm trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì ở thành thị là gần 10% và hơn 5% ở nông thôn - tăng cao hơn so với tỷ lệ ghi nhận vào năm 2010. Kiểm soát tình trạng béo phì là một trong 5 mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 của Bộ Y tế, ban hành năm 2022.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh phúc Việt Nam, cho rằng người thừa cân, béo phì có tâm lý lo lắng hơn nhóm khác, nguyên nhân xuất phát từ sự kỳ thị, phán xét của người xung quanh. Trẻ béo phì có thể không có bạn bè, bị xa lánh, trêu trọc.
Nhiều công trình khoa học toàn cầu cho thấy thừa cân, béo phì trở thành hệ lụy theo trẻ đến suốt đời. Một nghiên cứu của Thụy Điển công bố năm 2020 phát hiện béo phì là nguy cơ đáng kể gây lo âu, trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên. Cụ thể, bé trai và bé gái đều có nguy cơ cao hơn 43% nếu đang mắc bệnh béo phì.
CDC Mỹ cũng cho biết béo phì có liên quan việc tăng nguy cơ sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên. Theo đó, nhóm này có thể gặp khó khăn về giấc ngủ, thói quen ít vận động và tiêu thụ thức ăn không điều độ. Những triệu chứng tương tự này thường gặp ở thanh niên bị trầm cảm.
Trẻ em và thanh thiếu niên béo phì cũng có thể là mục tiêu bắt nạt của bạn bè đồng trang lứa. Theo nghiên cứu từ Học viện Nhi khoa Mỹ, tỷ lệ trẻ bị bắt nạt vì cân nặng được báo cáo thường xuyên.
Trẻ béo phì dễ bị chọc ghẹo, khiến các em bị tổn thương về mặt tâm lý, dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập, kéo dài đến tuổi trưởng thành. Có những em còn bị chán ăn tâm thần, sụt cân, nhất là trẻ nữ.
Theo bác sĩ Thúy, mỗi bé bị béo phì "chắc chắn đã từng có lần bị chọc ghẹo ngoại hình". Tuy nhiên, nếu trẻ được bố mẹ yêu thương, cảm thông thì đa phần có tâm lý tốt, sự chê bai của người ngoài sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các em.
Còn trường hợp bé Hân, đang bước vào tuổi dậy thì, dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu nếu bị bạn bè lẫn gia đình miệt thị, chê cười. Những trẻ này nên được can thiệp tâm lý sớm. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên đến gặp bác sĩ, gia đình ngồi lại để nói chuyện, thấu hiểu nhau hơn. Phụ huynh cần giải thích cho con hiểu giảm cân là hành trình lâu dài, quan trọng là "giảm vì sức khỏe của con".
Mặt khác, chế độ ăn uống lành mạnh có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của người bệnh béo phì, bao gồm hoa quả và rau, các loại ngũ cốc, protein từ thịt, trứng, hạt và đậu nành; sữa ít béo hoặc không béo...
"Điều quan trọng là ba mẹ nhất định phải thông cảm, đồng hành cùng con", bác sĩ nói.
THEO Thúy Quỳnh - Mỹ Ý BÁO VNEXPRESS
Từ khóa: