“Chúng ta bỏ quên quy định cũ khi ứng phó biến chủng virus mới”

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 02/06/2021 09:44:00 AM - Lượt xem: 19 lượt xem.

Theo các chuyên gia virus biến chủng là điều thường tình. Với SARS-CoV-2, dù là biến chủng nào thì biện pháp đơn giản nhất là 5K sẽ giúp ngắt chuỗi lây nhiễm và phòng dịch hiệu quả.

Đợt dịch COVID-19 hiện nay diễn biến phức tạp ở các nước châu Á như Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan… và cả tại các nước có thành tựu chống dịch. Đợt dịch này phức tạp, chủng virus lây lan nhanh. Khi người dân chưa có miễn dịch thì nguy cơ mắc bệnh rất cao khi tiếp xúc với F0.

Virus biến chủng là thường tình

Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) của virus SARS-CoV-2 bao gồm: biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, các đột biến của virus SARS-CoV-2 vẫn đang xảy ra thường xuyên, liên tục nên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm trong tương lai và có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. Do đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin về ảnh hưởng của các virus đột biến mới.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong đợt dịch thứ 4 hiện nay tại Việt Nam, điều cần quan tâm là những biến chủng virus lây lan nhanh hơn, khiến bệnh nặng hơn. Đặc biệt, chủng virus từ Ấn Độ lây lan rất nhanh, bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng diễn tiến xấu rất nhanh sau đó.

“Ở những đợt dịch trước, chúng ta xác định chu kỳ lây trong vòng 5-6 ngày, nhưng chủng mới chỉ lây 1-2 ngày. Như vậy, trong thời gian rất ngắn, số người lây bệnh tăng cao, đồng thời tạo nên nhiều ổ dịch khi người mang virus di chuyển tới các khu vực khác. Dù là biến chủng nào thì việc phát hiện càng sớm ca mắc càng tốt. Trong dịch tễ, phát hiện ca mắc đầu tiên là tối ưu”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, trong diễn biến dịch hiện nay, muốn phát hiện sớm ca mắc thì những người có triệu chứng ho sốt cần chủ động khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Thực tế vừa qua, tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác, chúng ta đã phát hiện những ổ dịch thông qua việc người dân có dấu hiệu ho sốt tự đi khám bệnh. 

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, cần tập trung vào 3 mắc xích: Một là nguồn lây nhiễm, hai là đường lây truyền, ba là người cảm nhiễm. Nếu mắt xích nào chưa đảm bảo thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

“Dù các biến thể hiện nay lây lan nhanh, cách ly vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để giảm, cắt đứt đường lây của virus SARS-CoV2. Việc cách ly, giảm sự lây lan là đeo khẩu trang, giảm khoảng cách, cách ly y tế. Đối với cách ly kiểm dịch (F1, F2, cách ly tập trung, cách ly ở nhà) phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cách ly, giữ khoảng cách giữa người với người là hết sức quan trọng; nếu nguyên tắc này không đảm bảo thì có tác dụng ngược”, GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 lây chủ yếu trong môi trường kín

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý, diễn biến dịch đợt dịch thứ 4 này lây chủ yếu trong môi trường kín như quán bar, karaoke và lây trong khu công nghiệp - nơi điều kiện môi trường kín và sử dụng điều hòa.

Tuy nhiên, yếu tố và nguy cơ virus lây trong phòng kín không hề mới, đã cảnh báo từ khi dịch xuất hiện hồi đầu năm 2020 tại Việt Nam.

“Từ đầu dịch, chúng ta đã thường xuyên khuyến cáo mở cửa thông thoáng và không sử dụng điều hòa. Tuy nhiên, khuyến cáo này hiện nay không được tuân thủ chặt chẽ. Riêng với môi trường kín, đặc thù của các nhà máy sản xuất và KCN, chúng ta áp dụng chặt khẩu hiệu 5K và thường xuyên xét nghiệm tầm soát. Nếu chúng ta thực hiện tốt biện pháp đơn giản nhất là 5K thì chuỗi lây nhiễm sẽ bị ngắt, giúp phòng dịch hiệu quả”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Ông Phu cũng nêu vấn đề lây nhiễm ở nơi cách ly, như trường hợp chuyên gia Trung Quốc lây bệnh từ chuyên gia Ấn Độ khi cách ly cùng khách sạn. 

Với khoảng 60% trường hợp mang virus không có biểu hiện bệnh thì sẽ làm bệnh dễ dàng lây lan, đồng thời khó phát hiện. PGS.TS Trần Đắc Phu và GS.TS Phan Trọng Lân cùng cho rằng, việc giám sát toàn diện và “thần tốc” truy vết, khoanh vùng triệt để các F0 và F1 trong vòng 24 giờ, sẽ giúp hạn chế tối đa cơ hội lây lan thứ cấp. 

Hiện nay, năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã tăng lên vài chục nghìn mẫu/ngày so với trước kia chỉ vài nghìn mẫu/ngày. Với điểm nóng dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay, các lực lượng y tế cũng đang lấy mẫu thần tốc. Các lực lượng đã được huy động để triển khai lấy mẫu thâu đêm.

“Trong nỗ lực phòng chống dịch, chúng ta đang mở rộng thực hiện xét nghiệm sàng lọc để phát hiện những ổ dịch có thể đang lẩn khuất trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, sân bay, khu công nghiệp… cũng cần thực những xét nghiệm sàng lọc thường xuyên. Bởi đã có trường hợp phát hiện ca mắc là F1 sau đó mới truy ngược lại nguồn lây và tìm ra ca F0 gây ra ổ dịch đó. Nhưng cũng đã có ổ dịch mất dấu F0”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Ông Phu cùng nhấn mạnh, biện pháp chống dịch hiện nay được thực hiện theo truy vết dịch tễ, khoanh chặt và khoanh vùng, cách ly giảm dần theo nguy cơ: “Ví dụ tại Hà Nội, khi phát hiện một ca mắc, cả tòa nhà đã bị phong tỏa. Sau khi có xét nghiệm âm tính, khu vực phong tỏa rút xuống là tầng nơi bệnh nhân sinh sống. Việc cách ly chặt một tầng sẽ phát hiệu quả để giải quyết ổ dịch. Với các tầng khác của tòa nhà, chúng ta đã có biện pháp xét nghiệm để loại trừ yếu tố nguy cơ, đồng thời các khu vực này đều được phun khử khuẩn”./.

(Theo VOV)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn