Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 22/04/2024 09:23:00 AM - Lượt xem: 2 lượt xem.

Ca mắc sởi đầu tiên trên địa bàn thành phố trong năm nay là một bé gái 10 tuổi, ở huyện Chương Mỹ. Đáng chú ý, trẻ đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi.

Nguy cơ phát sinh dịch sởi

Thông tin tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh" do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022; tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 163 ca mắc sởi, tăng so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 và trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua...

Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng là do tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm, do trong giai đoạn dịch COVID-19 và việc cung ứng chậm vắc xin giai đoạn 2022-2023. Thống kê từ chương trình Tiêm chủng mở rộng cho thấy, tỷ lệ tiêm vắc xin trong năm 2023 đang thấp hơn so với những năm 2017-2019, chỉ  đạt có 84% so với tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%.

Trong khi đó, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, bệnh chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền trong cộng đồng khi tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng đạt trên 95%. Theo các chuyên gia, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi nên tiêm phòng sởi đầy đủ là trẻ chưa được tiêm vắc xin; thanh thiếu niên, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc xin trước đây; người lớn tuổi có bệnh nền mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, phổi, đái tháo đường; phụ nữ chuẩn bị có thai…

Mặt khác, chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4-5 năm sẽ quay trở lại, vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần triển khai tiêm chủng bù mũi ngay cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023, để chủ động đáp ứng phòng chống dịch.

Nếu không chủ động tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh là không thể tránh khỏi.

Thống kê ở hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng rất cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.

Tại Hà Nội, năm 2019, dịch sởi lây lan bùng phát trên địa bàn. Điều đáng nói là 92% bệnh nhân mắc sởi khi đó là trẻ 9 tháng tuổi đến 18 tháng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Cũng năm 2019, 63 tỉnh, thành, phố đều ghi nhận các trường hợp mắc sởi chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi và ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn.

Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh ở nước ta còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến khó lường; thời tiết diễn biến bất thường tại khu vực miền Bắc là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao.

Chỉ tính riêng tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 15 bệnh nhân sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay là 163 ca bệnh. Nếu Hà Nội không chủ động tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh là không thể tránh khỏi.

tình hình dịch bệnh ở nước ta còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến khó lường

Đường lây và triệu chứng của bệnh sởi

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh và thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi.

Triệu chứng của trẻ khi mắc sởi gồm: sốt, chảy nước mắt, mũi, ho khan, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; mắt có gỉ, sưng nề mí mắt… Ban sởi thường mọc vào ngày thứ 4 - ngày thứ 6 của bệnh, mọc theo thứ tự: ban mọc từ đầu, mặt, cổ (vào ngày thứ nhất), đến ngực, lưng, cánh tay (ngày thứ 2), tiếp đến là mọc ở bụng, mông, đùi, chân (ngày thứ 3). Khi ban mọc đến chân, thường trẻ đã hết sốt và ban bắt đầu bay dần.

Giai đoạn toàn phát, phát ban sần, mịn như nhung, không có nước.

Theo các chuyên gia dịch tễ, sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong. Phụ nữ có thai nếu mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi nhưng có vắc xin phòng bệnh.

Bởi vậy, khi phát trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi, cần cách ly với trẻ không mắc bệnh trong vòng 7 ngày từ khi phát ban; cho trẻ ở phòng riêng và đảm bảo thông thoáng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày cho trẻ; đồng thời vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ, giữ cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng. Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi; hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi.

Nếu trẻ nhỏ tiêm đủ 2 mũi cơ bản vắc xin sởi trước 2 tuổi là phòng chống bệnh sởi an toàn.

Người dân cẩn chủ động tiêm vắc xin sởi tại cộng đồng

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Như vậy, sẽ cần phải đi tiêm bù ngay trước 24 tháng để đảm bảo phòng bệnh được tốt nhất.

Sởi cũng như nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên vắc xin phòng bệnh thì luôn sẵn sàng. Hiện nay, vắc xin tiêm phòng sởi miễn phí đã được Bộ Y tế cung ứng đầy đủ tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã và đang cung ứng kịp thời cho người dân lựa chọn để tiêm phòng chủ động cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, việc phòng bệnh chủ động của người dân là hết sức quan trọng. Bởi với các dịch bệnh không được tiêm vắc xin phòng bệnh thì rất đáng lo ngại. Nếu trẻ nhỏ tiêm đủ 2 mũi cơ bản vắc xin sởi trước 2 tuổi là phòng chống bệnh sởi an toàn. Đối với người dân không nhớ lịch sử tiêm chủng của bản thân, nên đi tiêm phòng mũi bổ sung để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng trước diễn biến dịch bệnh khó lường như hiện nay.

 THEO Thu Hà ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI 
 

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn