Số trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 09/05/2022 09:48:00 AM - Lượt xem: 16 lượt xem.

Thống kê trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chẩn đoán 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%).

Bé trai 6 tuổi được mẹ đưa đến bệnh viện khám do vùng kín tăng kích thước bất thường. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bé được chẩn đoán dậy thì sớm do một số bất thường về nội tiết lẫn bẩm sinh.

Đây không phải trường hợp hiếm gặp. Theo báo cáo của các bác sĩ chuyên khoa nhi tại một hội thảo về dậy thì sớm, số lượng trẻ dậy thì sớm có dấu hiệu tăng dù chưa có số liệu cụ thể trên cả nước.

Bé trai dậy thì từ lúc 5 tuổi

Bé trai sinh năm 2016, ngụ Đắk Lắk, được mẹ phát hiện tăng chiều cao nhanh, dương vật to hơn trẻ cùng lứa lúc 5 tuổi. Bé thường xuyên thèm ăn mặn, chậm phát triển trí thông minh.

Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Thị Ngãi, khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết khi làm các xét nghiệm liên quan, bác sĩ xác định tuổi xương của bé (14 tuổi xương) lớn hơn tuổi thực (6 tuổi), nồng độ Testosterone tăng cao.

"Chúng tôi sợ có nguyên nhân thứ phát nên cho bé làm tất cả xét nghiệm từ CT bụng, ngực, MRI não thì phát hiện trẻ có khối u ở 2 bên ở tinh hoàn. Bé được chẩn đoán dậy thì sớm ngoại biên do tăng sinh thượng thận chưa điều trị và TARTs giai đoạn 2", bác sĩ Ngãi kết luận.

 

Tái khám sau một năm theo dõi (lúc này bé 7 tuổi), chiều cao của em tăng 6 cm, lông mu tăng, có hiện tượng xuất tinh và cương dương. Các chỉ số nội tiết của bé đã trở về mức bình thường song nồng độ Testosterone vẫn tăng cao.

Bé trai tiếp tục được điều trị với thuốc và sau một năm thăm khám lại (8 tuổi, cao 156 cm), những vấn đề về dậy thì sớm ở bé trai đã hạn chế, trẻ đã hết xuất tinh, lông nách không phát triển thêm.

Một trường hợp khác là bé gái 5 tuổi, cao 125 cm và nặng 23 kg, đến khám do ngực to, có tiền căn động kinh đang điều trị ổn định. Kết quả siêu âm tử cung bình thường nhưng phát hiện hormone sinh dục nữ tăng, tuổi xương hơn tuổi thật. Bé được chẩn đoán dậy thì sớm trung ương tiến triển.

 
tre em day thi som anh 3

Trẻ em gái được chẩn đoán dậy thì sớm khi xuất hiện tình trạng dậy thì dưới 8 tuổi hoặc có kinh nguyệt trước 10 tuổi. Ảnh minh họa: Independent.

Dậy thì sớm còn xuất hiện ở độ tuổi nhỏ hơn. Bé gái sinh năm 2015, không mắc bệnh lý nhưng ngực to từ lúc sinh. Lúc 16 tháng tuổi (cao 80 cm và nặng 10 kg), bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 do ngực to bất thường. Kết quả siêu cho thấy tử cung lẫn tuổi xương đều lớn hơn tuổi thật của trẻ.

"Bé được chẩn đoán dậy thì sớm ở độ tuổi còn quá nhỏ", bác sĩ Ngãi nhận định và cho biết bé vẫn được theo dõi thường xuyên từ khi điều trị đến nay.

Số trẻ dậy thì sớm có xu hướng tăng

ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cho biết thống kê trong giai đoạn tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chẩn đoán 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%).

Theo bác sĩ Hằng, tỷ lệ dậy thì sớm dao động 1/10.000-1/5.000, dậy thì sớm ở nữ thường cao hơn nam. Các báo cáo gần đây tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ đang tăng lên rõ rệt.

Số lượng trẻThống kê tình hình trẻ dậy thì sớm tại Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 1991-2021Nguồn: ThS.BS Nguyễn Thị Hằng (tài liệu tại Hội thảo Dậy thì sớm)Bé traiBé gái1991-19951996-20122013-20172018-20210200400600800

Về nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm, bác sĩ Hằng cho biết ở bé trai, một số bệnh lý u tuyến tùng, u nhân bào, giãn não thất, tăng sinh thượng thận bẩm sinh, số ít còn lại không tìm được lý do.

Ở bé gái, tình trạng này do bất thường vùng não, u tuyến yên, u nang tuyến tùng, nang dịch. Đặc biệt, số trẻ dậy thì sớm không rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ khá cao (536 trẻ, chiếm tỷ lệ gần 90%).

ThS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, kết luận dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường trước 8 tuổi ở bé gái (có kinh nguyệt trước 9,5-10 tuổi) và trước 9 tuổi ở bé trai.

Trẻ dậy thì sớm có thể hạn chế phát triển chiều cao, rối loạn tâm lý ở cả bố mẹ và trẻ. Nhiều nghiên cứu cũng cho biết trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục và mãn kinh sớm do dậy thì sớm.

Một số đột biến gene, yếu tố môi trường, béo phì và các chất gây rối loạn nội tiết có thể là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm.

(Theo Zing)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn