CẢM NHẬN VỀ CHUYẾN ĐI THĂM QUAN- HỌC TẬP TẠI CÔN ĐẢO- TPHCM- ĐỒNG THÁP- CẦN THƠ

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 27/06/2018 04:44:00 PM - Lượt xem: 3971 lượt xem.

Cuộc sống thay đổi khi nhận thức thay đổi. Tôi luôn luôn tâm niệm điều đó, rằng con người muốn trưởng thành, muốn trở lên tốt đẹp thì phải luôn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của mình. Nếu không, thời gian trôi đi, bạn chỉ mãi dậm chân tại một chỗ mà thôi. Nhưng nhận thức không hề dễ thay đổi, phải có những sự kiện, những tác động rất mạnh, bản thân chúng ta mới nhận ra được mình cần thay đổi. Tháng 5 năm 2018, tôi đã có một chuyến đi làm thay đổi nhận thức của mình. Tôi đã được nghe những câu chuyện về những người anh hùng, nhìn những hiện vật, di tích còn sót của một thời chiến tranh khốc liệt. Những câu chuyện mà tôi không thể tưởng tượng rằng con người có thể chịu đựng được. Một chuyến đi cho tôi những trải nghiệm thực sự ý nghĩa.

Ảnh: Chung Thủy

Vinh dự là một thành viên trong đoàn CBCNV tiêu biểu của Tổng công ty May 10 tham gia chuyến tham quan, học tập tại Côn Đảo, chúng tôi đặt chân lên vùng đất Côn Đảo vào một ngày nắng và gió. Việc đầu tiên chúng tôi làm chính là đi thăm nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, hy sinh dưới sự tàn ác của thực dân và đế quốc. Để tưởng niệm, chúng tôi thắp những nén hương cho các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây bằng tất cả tấm lòng tri ân và hoài niệm. Đứng trước hàng ngàn ngôi mộ, tôi lặng đi và nghẹn ngào. Hàng nghìn anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì tự do của dân tộc, vì nền độc lập của tổ quốc, để hôm nay chúng tôi có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc bên gia đình. Họ đã hy sinh khi còn rất trẻ, khi còn vấn vương những nghĩa nặng với gia đình, có những người chưa 1 lần cầm tay bạn gái, cuộc sống chưa từng trải nghiệm đã ngã xuống. Nghĩa trang có gần 2.000 ngôi mộ nhưng chỉ có gần 800 ngôi mộ là có tên, những người anh hùng còn lại cùng mang chung một cái tên "liệt sỹ vô danh". Tại Côn Đảo phần lớn những chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước còn nằm mãi dưới lớp đất này mà chưa tìm được mộ. Đứng trước linh hồn các anh, tôi cảm thấy biết ơn vô cùng. Tôi cảm thấy mình đã quá may mắn khi được sinh ra trong thời bình, có một cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi chợt nhận ra được cái giá phải trả cho sự tự do của dân tộc, cho nền độc lập của nước nhà, những thứ mà hàng ngày tôi vẫn đang được hưởng thật quá lớn. Tôi tự hỏi bản thân tôi phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh to lớn ấy? Phải tôi đã sống ích kỷ, chỉ mới sống vì mình, vì gia đình mình thôi? Tôi cần phải có trách nhiệm hơn, phải biết “sống cống hiến và đền đáp tiếp nối”. Tôi có thể sống tốt hơn như bây giờ, tôi có thể tạo thêm nhiều điều tốt đẹp hơn, đóng góp nhiều hơn. Tôi phải làm được những điều đó!

Tối hôm đó, đoàn chúng tôi đã đi thăm và thắp hương mộ cô Võ Thị Sáu. Những người con May 10 chúng tôi đã cất lên lời ca tiếng hát với sự thành kính, biết ơn nhất “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng trọn cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết, vẫn không lùi bước…”. Sống mũi cay cay, nước mắt không biết rơi tự khi nào. Lời bài hát cứ mãi vang vọng bên tai tôi, nhắc tôi về một người thiếu nữ anh hùng, một ý chí kiên cường, một tấm gương sáng mãi. Tự hào và dâng đầy sự biết ơn, nể phục và tri ân đối với người con gái ấy. Một lần nữa tôi lại đứng nơi đây, tự hứa với lòng mình sẽ sống sao cho ra sống, sống sao cho xứng đáng với các anh hùng liệt sỹ và hồn thiêng sông núi. Các anh, các chị đã ngã xuống để cho sự sống trên dải đất hình chữ S này được hồi sinh.

Đi tham quan Côn Đảo, tôi thấy một vùng đất thiêng liêng và bao thăng trầm của lịch sử, bao bài học ý nghĩa. Đúng như Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nói:

“ Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng,

Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại.

Côn Đảo là một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau…”

(Trích bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn- Tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng trong chuyến ra thăm quan Côn Đảo ngày 27/08/1976)

Chiến tranh xâm lược, sự đô hộ và áp bức của thực dân Pháp và các thế lực đế quốc xâm lược đã biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian. Đến nơi này, và tận mắt chứng kiến sự dã man của thực dân, đế quốc tôi mới cảm nhận hết được ý chí quật cường của những chiến sỹ cách mạng. Những cái tên trại tù Phú Hải, trại Phú Tường hay còn gọi chuồng cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò... mà từ trước đến nay chúng tôi chỉ được nghe, thấy qua sách báo, tranh ảnh thì giờ đây nó đang hiển hiện, phơi bày thực tế. 

Tôi đã đứng lặng hồi lâu trước những trại giam, nghĩa địa tù… lặng người trước những câu chuyện kể về tội ác của kẻ địch, về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng, hi sinh… với niềm cảm phục, tự hào. Dường như ở Côn Đảo mỗi tảng đá, mỗi gốc cây, mỗi thảm cỏ, mỗi lối đi trong trại giam đều thấm đẫm mồ hôi và máu của những tù nhân cách mạng trong hơn một thế kỷ đấu tranh. Tham quan di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, niềm bồi hồi xúc động trước những mất mát, hy sinh lớn lao vượt sức tưởng tượng và chịu đựng của con người lại dâng tràn. Mỗi hiện vật, mỗi ngôi mộ, xà lim, hầm tối…không chỉ là một số phận, một chứng tích tội ác của thực dân- đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo sức mạnh và niềm tin vững chắc cho thế hệ chúng tôi hôm nay.

Chuyến hành trình về Côn Đảo là bài học lịch sử hết sức quý báu để thế hệ trẻ chúng tôi càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Côn Đảo chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, không giáo điều, không sách vở, là nơi truyền ngọn lửa cách mạng đến với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ngày thứ 3 của chuyến đi, chúng tôi được đi dâng hoa viếng Bác và thăm quan Bến Nhà Rồng, nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. Chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy các tư liệu, hiện vật vô giá về Người, lòng đầy cảm phục và biết ơn.

Chuyến đi này đã mang tới cho tôi những trải nghiệm và nhiều bài học hết sức sâu sắc.

  1. Sống tri ân, hướng về nguồn cội, đền đáp tiếp nối, lan tỏa và lan truyền những điều tốt đẹp nhất đến với những người xung quanh tôi để xứng đáng với sự hi sinh của biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống.
  2. Trân trọng những giá trị tốt đẹp, những điều may mắn mà mình đang được nhận. Có một gia đình yêu thương, có một môi trường làm việc tốt, luôn luôn quan tâm và chăm sóc người lao động.
  3. Ý chí tạo lên sức mạnh. Trong những tình cảnh khó khăn nhất, vẫn phải luôn luôn lạc quan, giữ vững ý chí như những chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo.
  4. Liên tục học tập và trau dồi kiến thức. Tại địa ngục trần gian, nơi tôi tưởng như chỉ có sự tra tấn và đau khổ, thì tôi vẫn những người tù đó học tập, đọc sách. Vậy thì chúng tôi, những con người sinh ra trong hoàn cảnh tốt như hiện nay, lại càng phải chăm chỉ học tập hơn nữa.
  5. Sáng tạo. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó, tôi thấy cả hai chiến tuyến đều liên tục sáng tạo. Như những người tù tận dụng mọi thứ có thể để có những cuộc vượt ngục thành công. Hay như hình ảnh “viên gạch sưởi ấm” trong bảo tàng Hồ Chí Minh, viên gạch Bác đã dùng sưởi ấm trong mùa đông giá buốt ở Paris đã thể hiện được sự sáng tạo trong mọi hoàn cảnh của Bác.
  6. Tầm quan trọng của các bạn bè, đối tác trong mọi cuộc chiến, mọi công việc. Câu chuyện luật sư F.H Loseby, chủ tịch hội luật gia Hong Kong năm 1931 đã giúp Bác thoát khỏi nhà tù đế quốc Anh, được tự do rời khỏi Hong Kong, tôi đã rút ra bài học đó. Chính con người Bác cùng các phẩm chất tốt đẹp của Người đã khiến Người có được những sự giúp đỡ vô giá đó. Áp dụng vào công việc của bản thân, là một CBMH, tôi là đầu mối thông tin với khách hàng, nhà cung cấp và xí nghiệp sản xuất. Bản thân tôi phải luôn làm việc, cư xử thật tốt và tạo được niềm tin đối với cả khách hàng, nhà cung cấp và xí nghiệp.
  7. Luôn phải chuẩn bị chu đáo và có kế hoạch trong công việc. Công tác chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi đã góp phần rất lớn tạo nên một chuyến đi trọn vẹn. Tôi nhận thấy tầm quan trọng của sự chuẩn bị và có kế hoạch tốt và sẽ áp dụng thật tốt vào trong công việc của mình.
  8. Đoàn kết, kỷ luật là sức mạnh của làm việc theo nhóm. Lịch trình của chúng tôi rất sát và yêu cầu mọi người luôn luôn phải đúng giờ và hỗ trợ nhau. Chính sự đoàn kết và kỷ luật của từng thành viên trong nhóm để chuyến đi thành công.
  9. Luôn quan sát, ghi chép và rút kinh nghiệm. Một chuyến đi thành công là một chuyến đi mà tôi học được nhiều bài học và kinh nghiệm. Để làm được điều đó, tôi đã được dạy luôn phải quan sát từng chi tiết, từng việc nhỏ nhất và rút kinh nghiệm cho bản thân. Tôi đã áp dụng bài học đó và thực hiện trong báo cáo này và sẽ luôn thực hiện tốt trong cuộc sống và công việc của mình.

Lời cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn cơ quan Tổng giảm đốc Tổng công ty, lãnh đạo các phòng ban, lãnh đạo Phòng Thị Trường 2 cùng toàn bộ các anh chị em đồng nghiệp đã cho tôi cơ hội để được đến với vùng đất thiêng Côn Đảo này. Tôi sẽ thực hiện tốt các bài học đã kể trên để góp phần cho sự phát triển của Tổng công ty May 10, cho xã hội và đất nước.

Hà nội, ngày 30 tháng 05 năm 2018

Trịnh Thị Phương Lan- PTT2

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn